Blockchain là gì? Hiểu đơn giản về blockchain trong 5′

Nội dung

    Đã bao lần bạn suýt đập máy tính khi cố gắng tìm hiểu blockchain là gì. Trong bài viết này mình sẽ giúp bạn hiểu đơn giản về blockchain trong 5′.

    Mình biết rằng có nhiều người đã cố gắng tìm hiểu về công nghệ này trước đây khá lâu.

    Nhưng khi gõ cụm từ “blockchain là gì” vào Google, có khá nhiều kết quả trả về. Đó là từ Wikipedia hay các trang web khác.

    Nhưng ngặt nỗi là họ giải thích quá “cao siêu” với nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Điều đó khiến cho người mới không thể “nuốt” nổi.

    Mình cũng từng bị như vậy!

    Xem thêm: Top 10+ thuật ngữ crypto mà người mới cần phải biết

    Do đó trong bài viết này mình sẽ cố gắng giải thích để cho ai cũng có thể hiểu được bản chất của blockchain là gì.

    Mình cùng bắt đầu nhé!

    Blockchain là gì?

    Hiểu đơn giản về blockchain thì blockchain = block + chain. Blockchain (chuỗi khối) là chuỗi (chain) gồm nhiều khối (block) nối lại với nhau.

    Trong 1 khối thông tin sẽ gồm 3 thành phần chính sau:

    hiểu đơn giản về blockchain
    Hiểu đơn giản về blockchain

    Data (dữ liệu)

    Ví dụ như trong blockchain của Bitcoin là thông tin các giao dịch.

    Tuy nhiên thông tin giao dịch mua bán là loại thông tin đơn giản nhất của công nghệ blockchain.

    Loại dữ liệu này còn có thể là y tế (lưu trữ hồ sơ bệnh án), giáo dục (bằng cấp), nông nghiệp (truy xuất nguồn gốc nông sản), tài chính (cuốn sổ cái phi tập trung)…

    Hash (hàm băm) của chính khối đó

    Đây là “mã số” duy nhất của khối này.

    Nó được coi như là dấu vân tay kỹ thuật số hay con dấu niêm phong của khối. Không thể xóa hay thay đổi.

    Hash của khối trước liền kề với nó

    Điều này giúp cho vị trí các khối trong chuỗi không thể bị đảo lộn hay thay đổi.

    Khối đầu tiên trong chuỗi được gọi là Genesis block hay Khối nguyên thủy.

    Blockchain vs Bitcoin

    Nhiều người thường nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này.

    Thực ra blockchain là công nghệ còn Bitcoin (và những đồng coin khác) là sản phẩm được tạo ra từ công nghệ đó.

    Xem thêm: Coin token là gì? 4 khác nhau giữa coin và token.

    Bạn có thể tưởng tượng blockchain như là 1 mảnh đất vàng và Bitcoin như là 1 tòa nhà chọc trời được xây dựng trên mảnh đất đó.

    Điều gì tạo nên sự khác biệt ở Blockchain?

    Nếu nói Blockchain dùng để lưu trữ dữ liệu thì chẳng có gì mới lạ cả.

    Hàng ngàn năm nay con người cũng đã làm như vậy. Từ ghi chép trên đất sét, da thú, giấy và gần đây là ổ cứng hay đám mây…

    Vậy điều gì có ở Blockchain mà người ta cho đây là “phát minh của thời đại”.

    Tính phi tập trung

    Giả sử bạn mở tài khoản ở ngân hàng. Sau đó mỗi lần bạn nạp tiền vào tài khoản (hoặc nhận tiền từ người khác) ngân hàng sẽ ghi có.

    Nếu bạn rút tiền (hoặc chuyển cho người khác) ngân hàng sẽ ghi nợ vào tài khoản của bạn.

    Tất cả những thông tin giao dịch này của bạn (và cả người khác) sẽ được ghi lại trong hệ thống máy tính của ngân hàng.

    Nhờ vào những dữ liệu này mà ngân hàng sẽ tính toán xem bạn còn số dư là bao nhiêu.

    Đây là cách mà ngân hàng truyền thống đang hoạt động. Tất cả dữ liệu đều được lưu trữ tại 1 chỗ (tập trung).

    Vậy sẽ ra sao nếu hệ thống này bị hack hay xảy ra các sự cố thiên nhiên như động đất, núi lửa, sóng thần…

    Trong Blockchain, các dữ liệu này đều được phân tán ra các máy tính ngang hàng trong mạng lưới.

    Mỗi máy tính trong mạng lưới này được gọi là nút (node) và đều lưu trữ 1 bản sao của hệ thống blockchain.

    Khi một node trong mạng bị tấn công, node đó có thể dễ dàng sao chép lại dữ liệu của 1 trong các node còn lại.

    Đó chính là tính phân tán, không tập trung của dữ liệu. Số node trong mạng lưới càng nhiều thì Blockchain càng mạnh mẽ.

    Tính bảo mật cao

    Như mình đã nói ở trên, 1 khối bất kỳ trong mạng lưới (trừ Khối nguyên thủy) đều chứa mã hash của chính khối đó và của khối trước liền kề với nó.

    Nếu ai đó muốn sửa đổi dữ liệu của khối bất kỳ, họ sẽ phải sửa mã hash của khối liền sau nó.

    Và khi mã hash khối liền sau thay đổi, anh ta sẽ phải tính toán lại mã hash của khối liền sau nữa…và cứ như thế…cho đến khối cuối cùng…

    Blockchain hoạt động dựa vào cơ chế đồng thuận (cùng đồng ý).

    Bất kỳ dữ liệu nào được đưa vào block phải được sự đồng ý của hơn 50% số node trong mạng lưới.

    Như vậy nếu hacker muốn thay đổi dữ liệu thì anh ta sẽ phải chiếm quyền được 51% số node trong 1 khoảng thời gian ngắn.

    Điều này trên thực tế là bất khả thi.

    Loại bỏ bên thứ ba

    Quay trở lại câu chuyện mở tài khoản ngân hàng ở trên. Mỗi giao dịch phát sinh thì bạn phải đóng các loại thuế, phí cho ngân hàng.

    Blockchain là mạng phân tán ngang hàng. Các node trong mạng lưới đều có vai trò ngang nhau nên loại bỏ vai trò của bên thứ ba.

    Nhờ đó bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Tất nhiên là đi kèm với đó cũng là rủi ro.

    Khi bạn mất thẻ hay mật khẩu thì ngân hàng sẽ cấp lại cho bạn. Nhưng trong Blockchain nếu bạn đánh mất Private Key thì xem như mất vĩnh viễn.

    Phân biệt các loại Blockchain

    Tùy vào mục đích sử dụng của Blockchain mà ta sẽ có 3 loại Blockchain sau đây: Public Blockchain (công khai), Private Blockchain (riêng tư), và Consortium Blockchain (kết hợp giữa 2 loại trên).

    Public Blockchain

    Phần lớn các loại tiền mã hóa đều là Blockchain dạng này.

    Nói là công khai vì ai cũng có quyền xem tất cả các giao dịch và ai cũng có thể tham gia vào mạng lưới.

    Người ta thường dùng từ permissionless (không cần được cấp quyền) để chỉ loại Blockchain này.

    Ưu điểm: Có khả năng chống lại sự kiểm duyệt cao.

    Nhược điểm: Do đòi hỏi tính bảo mật nên làm giảm hiệu suất. Do cần tính đồng thuận của nhiều người khác nhau nên dễ xảy ra hard fork (phân tách chuỗi).

    Private Blockchain

    Mạng này quyết định ai được quyền tham gia và ghi dữ liệu vào chuỗi. Cũng là mạng phân tán nhưng không phải phi tập trung.

    Blockchain này có phân cấp rõ ràng (không phải ngang hàng với nhau) nên dễ đảo ngược.

    Danh tính của mỗi người chơi được tiết lộ.

    Private Blockchain phù hợp với các công ty, tổ chức muốn tận dụng ưu thế của Blockchain nhưng vẫn giữ được tính riêng tư.

    Consortium Blockchain

    Như mình đã nói ở trên, Blockchain này là sự kết hợp giữa 2 loại trên nên còn được gọi là Blockchain bán riêng tư.

    Ở trong các Blockchain công khai ai cũng có thể xác nhận các khối.

    Trong Blockchain riêng tư, 1 tổ chức duy nhất được chỉ định những người tạo ra các khối.

    Thì ở Consortium Blockchain, 1 số các bên có quyền ngang nhau hoạt động như các trình xác nhận.

    Loại Blockchain này phù hợp với nhiều công ty, tổ chức trong cùng ngành và muốn chia sẻ dữ liệu với nhau.

    Ví dụ các bệnh viện, trung tâm y tế muốn chia sẻ và sử dụng thông tin y tế của bệnh nhân trong hệ thống.

    Như vậy là mình vừa đi qua Blockchain là gì và cách hiểu đơn giản về blockchain.

    Chúc bạn thành công!

    Bình luận

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    viTiếng Việt